Khóa luận tốt nghiệp & thực tập tốt nghiệp và những điều cần biết 2024

Việc hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và thực tập tốt nghiệp là một bước quan trọng trong hành trình học tập của mỗi sinh viên. Những yêu cầu và quy định cụ thể đã được đưa ra nhằm đảm bảo quá trình này diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao nhất. Khóa luận tốt nghiệp không chỉ là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, mà còn là bước đệm giúp các bạn tự tin bước vào thị trường lao động.

Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin quan trọng và cần thiết về khóa luận tốt nghiệp và thực tập tốt nghiệp, không chỉ dành riêng cho sinh viên Trường Đại học Ngoại thương mà còn mang tính tham khảo hữu ích cho sinh viên các trường khác.

1. Các thuật ngữ liên quan đến học phần tốt nghiệp

  • Thực hiện học phần tốt nghiệp (HPTN) là việc sinh viên tham gia, hoàn thiện 1 hoặc 1 số học phần với thời lượng tương ứng với khối lượng kiến thức là 9 (chín) tín chỉ thuộc chương trình đào tạo (CTĐT) để hoàn thành nội dung yêu cầu, kết thúc quá trình đào tạo của chuyên ngành học để được xét cấp bằng tốt nghiệp của chuyên ngành đó.
  • Viết khoá luận tốt nghiệp (KLTN): là việc sinh viên nghiên cứu 1 vấn đề khoa học cụ thể liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo, phân tích, tìm hướng giải quyết vấn đề còn tồn tại, phát huy thế mạnh hoặc đề xuất hướng mới cho vấn đề đó một cách tương đối trọn vẹn, trình bày thành 1 công trình nghiên cứu cá nhân, có khối lượng kiến thức là với 9 (chín) tín chỉ dưới sự hướng dẫn của một hoặc một nhóm người hướng dẫn khoa học (NHDKH).
  • Thực tập tốt nghiệp (TTTN): là việc sinh viên đi thực tập thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức… (DN) theo sự hướng dẫn của 1 hoặc 1 số NHDKH, lãnh đạo hoặc cán bộ DN. Trong quá trình TTTN, sinh viên tiếp cận, tìm hiểu hoạt động của DN ở 1 hoặc một số mảng hoạt động cụ thể liên quan đến công việc thực tế được phân công đồng thời sử dụng các kiến thức, kỹ năng tích lũy được từ CTĐT áp dụng vào thực tiễn phát hiện, đề xuất phương án giải quyết một hoặc một số vấn đề tồn tại hoặc phát huy lợi thế của DN… trình bày thành 1 bản thu hoạch thực tập tốt nghiệp (THTTTN) có khối lượng kiến thức là 6 (sáu) tín chỉ.
  • Học phần song hành (HPSH) với TTTN: là 1 nội dung bắt buộc đối với sinh viên TTTN, thuộc nhóm học phần tự chọn chuyên ngành, có khối lượng kiến thức là 3 (ba) tín chỉ. HPSH có tính chất tổng quát nội dung của chuyên ngành đào tạo và/hoặc có thể cung cấp nội dung lý thuyết, phương pháp luận hoặc phương pháp nghiên cứu để giải quyết vấn đề thực tiễn mà sinh viên phát hiện và tìm hướng giải quyết trong quá trình TTTN tại DN.
  • Người hướng dẫn khoa học (NHDKH) gồm:
    • Giảng viên huớng dẫn (GVHD): là giảng viên công tác trong hoặc ngoài Khoa chuyên môn trực tiếp quản lý sinh viên (KCM), đã qua thời gian tập sự hoặc công tác tại trường từ 1 năm trở lên, có trình độ từ Thạc sỹ trở lên, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn phù hợp với chuyên ngành đào tạo được KCM giới thiệu, tiến cử. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng KCM có thể cho phép giảng viên là cử nhân đã giảng dạy toàn môn học được ít nhất 02 năm hướng dẫn và phải báo cáo với Ban Giám hiệu (thông qua Phòng Quản lý đào tạo (P.QLĐT) để được phê duyệt.
    • Cố vấn chuyên môn (CVCM): là cán bộ, chuyên gia có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tế, đang hoạt động tại các cơ quan, đơn vị hay các viện nghiên cứu… có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực, phạm vi, đề tài KLTN hoặc vấn đề nghiên cứu của THTTTN của sinh viên, sẵn sàng tham gia tư vấn, hướng dẫn sinh viên; được sinh viên chủ động lựa chọn và báo cáo đề xuất với KCM và nhận được sự giới thiệu, tiến cử của KCM với Nhà trường; Hiệu trưởng phê duyệt, ra quyết định công nhận danh sách NHDKH chính thức, kèm theo tên của đề tài KLTN hoặc tên của lĩnh vực nghiên cứu của THTTTN của sinh viên.
  • Ban Thư ký khoá luận tốt nghiệp là 1 nhóm cán bộ, giảng viên được thành lập theo Quyết định hàng năm của Hiệu trưởng, làm nhiệm vụ hỗ trợ thủ tục, tổng hợp điểm, báo cáo kết quả, tình hình viết KLTN hoặc TTTN của sinh viên.
  • Hội đồng chấm khoá luận tốt nghiệp là 1 tập thể các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài trường, có trình độ chuyên môn phù hợp được KCM tiến cử và được Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định phê duyệt.
  • Trưởng KCM chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các thành viên của Hội đồng chấm KLTN, phân công và bảo mật Danh sách phân công thành viên chấm KLTN, THTTTN của sinh viên.
  • Khóa Luận Tốt Nghiệp &Amp; Thực Tập Tốt Nghiệp Và Những Điều Cần Biết 1

      Các thuật ngữ liên quan đến học phần tốt nghiệp

    Xem thêm: Kinh nghiệm thực hiện khóa luận & luận văn tốt nghiệp và các vấn đề liên quan

2. Điều kiện thực tập tốt nghiệp hoặc viết khoá luận tốt nghiệp

2.1 Điều kiện chung

  • Sinh viên không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên;
  • Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Đã tham gia và tích lũy đầy đủ khối lượng kiến thức thuộc các nhóm học phần quy định trong chương trình đào tạo (trừ HPTN và các học phần Giáo dục thể chất (GDTC) và Giáo dục quốc phòng (sau đây gọi tắt là các học phần điều kiện (HPĐK) theo quy định;
  • Đã tích lũy học phần Thực tập giữa khóa.
  • Không đang bị xếp hạng học lực loại yếu.
  • Không vi phạm nghĩa vụ nộp học phí.

2.2 Điều kiện cụ thể

  • Hàng năm có hai đợt xét điều kiện đi thực tập tốt nghiệp hoặc viết khoá luận tốt nghiệp ở hai học kỳ khác nhau vào tháng 2 (đợt chính thức) và tháng 8 (đợt bổ sung). Sinh viên được xét, cho phép viết khoá luận tốt nghiệp trong phạm vi 8 kỳ học chính thực tế theo CTĐT thiết kế cho 4 năm học. Trường hợp sinh viên có thời gian được nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập theo các Quyết định của Nhà trường thì không tính vào thời gian học thực tế.
  • Từ kỳ học thực tế thứ 9 trở đi, sinh viên chỉ được thực hiện HPTN theo hình thức TTTN.
  • Sinh viên được xét viết KLTN là sinh viên đã học toàn bộ các học phần thuộc các khối kiến thức quy định của CTĐT trừ HPTN và các HPĐK, có điểm trung bình chung tích luỹ (TBCTL) đạt mức 7.50 trở lên (theo thang điểm 10).
  • Sinh viên được xét đi TTTN và viết THTTTN là các sinh viên thuộc 1 trong các đối tượng sau:
    • Sinh viên đã hoàn thành toàn bộ nội dung CTĐT thuộc các khối kiến thức (trừ HPTN và các HPĐK), có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 7.50 theo thang điểm 10;
    • Sinh viên đủ điều kiện viết KLTN nhưng không có nguyện vọng hoặc khả năng viết KLTN, có đơn đề nghị xin chuyển hình thức thực hiện HPTN thành đi TTTN;
    • Sinh viên đã tích lũy được học phần thực tập giữa khóa nhưng vẫn còn thiếu 1 hoặc 1 số học phần thuộc CTĐT, có tổng khối lượng kiến thức chưa tích lũy được không quá 3 tín chỉ (không tính các HPĐK và HPSH), không đang bị xếp hạng học lực loại yếu.

3. Quy định & quy trình liên quan đến học phần tốt nghiệp

3.1 Quy định chung

  • Khoá luận tốt nghiệp là một học phần trọn vẹn, có khối lượng là 9 tín chỉ do 1 sinh viên có đủ điều kiện viết dưới sự hướng dẫn của NHDKH.
  • Khoá luận tốt nghiệp được viết bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng của ngành ngôn ngữ đang được đào tạo tại trường và tuân thủ các quy định tại Phụ lục 1 (về hình thức và tài liệu tham khảo THTTTN và KLTN).
  • Sinh viên các chuyên ngành không phải ngoại ngữ có nguyện vọng viết KLTN bằng ngoại ngữ, ngoài các điều kiện nêu tại điều 2, còn phải thỏa mãn các điều kiện sau:
    • Đạt điểm trung bình chung của tất cả các học phần ngoại ngữ sẽ viết KLTN từ 8,50 (theo thang 10) trở lên;
    • Có đơn đề nghị và được P.QLĐT và KCM đồng ý cho viết KLTN bằng ngoại ngữ;
  • Sinh viên đủ điều kiện viết KLTN có thể không viết KLTN. Trong trường hợp đó, sinh viên phải đăng ký thực tập tốt nghiệp với P.QLĐT và học thêm một học phần song hành với TTTN với thời lượng là 3 tín chỉ.

3.2 Quy trình chuẩn bị Khóa luận tốt nghiệp

B1: Công bố danh sách, tổ chức đăng ký, duyệt đề tài và viết KLTN

a) Danh sách khoá luận tốt nghiệp
  • Danh sách sinh viên viết KLTN (dự kiến): do P.QLĐT công bố trước khi kết thúc học kỳ thứ 7 của khoá học ít nhất 01 tháng đối với đợt chính thức hoặc không muộn hơn 10 ngày trước khi chính thức bắt đầu viết KLTN đối với các đợt xét viết KLTN bổ sung (vào tháng 8). Danh sách dự kiến viết KLTN gồm các sinh viên có điểm TBCTL của 6 học kỳ đầu đạt từ 7,50 (theo thang 10) trở lên, số lượng tín chỉ tích luỹ từ 105 tín chỉ trở lên.
  • Danh sách sinh viên viết KLTN (chính thức): được P.QLĐT công bố trước khi bắt đầu thời gian viết KLTN chính thức theo kế hoạch 1 tuần.
b) Tổ chức đăng ký đề tài khoá luận tốt nghiệp
  • Đề tài KLTN là một vấn đề khoa học cụ thể của chuyên ngành được sinh viên lựa chọn và giải quyết một cách tương đối trọn vẹn bằng kiến thức và các kỹ năng cơ bản đã tích lũy được của CTĐT. Đề tài có thể có tính chất tổng quát hoặc thuộc một phạm vi hẹp, liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo.
  • Đề tài KLTN do Khoa/Bộ môn gợi ý hoặc do sinh viên đề xuất sao cho nội dung và/hoặc phạm vi nghiên cứu không trùng lặp với các đề tài của 01 năm trước đó.
  • Đề tài KLTN phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo, phải ngắn gọn, rõ ràng, có giá trị khoa học và thực tiễn.
  • Các KCM công bố danh mục đề tài (tham khảo) hoặc định hướng đề tài KLTN: chậm nhất 01 tuần sau khi công bố danh sách sinh viên dự kiến viết KLTN.
  • Sinh viên có tên trong Danh sách sinh viên viết KLTN (dự kiến) được phép tham khảo, lựa chọn và đăng ký đề tài, lĩnh vực, NHDKH của KLTN.
Trưởng KCM có thể xem xét, cho phép sinh viên không có tên tranh Danh sách dự kiến đăng ký tên đề tài, lĩnh vực KLTN khi có nguyện vọng và chỉ được phê duyệt tên đề tài, lĩnh vực, chỉ định NHDKH, cho phép sinh viên viết KLTN nếu có tên trong Danh sách sinh viên chính thức được viết KLTN do P.QLĐT công bố.
  • Tên đề tài KLTN và nội dung của KLTN do NHDKH gợi ý, thông qua, KCM phê duyệt và được Nhà trường công nhận cùng với danh sách NHDKH bằng Quyết định phê duyệt danh sách NHDKH và đề tài KLTN.
c) Thời gian viết, nộp khoá luận tốt nghiệp
  • Thời gian viết KLTN: 13 (mười ba) tuần.
  • Thời gian nộp KLTN: trong vòng 01 (một) tuần sau khi hết thời gian viết KLTN.

B2: Duyệt đề tài khoá luận tốt nghiệp

Trong vòng 2 tuần sau khi công bố danh mục hoặc định hướng đề tài KLTN, KCM tiến hành tổng hợp, tư vấn điều chỉnh tên đề tài, lĩnh vực nghiên cứu của KLTN (nếu cần thiết) đồng thời lập danh sách tổng hợp NHDKH của KLTN trình Ban Giám hiệu (thông qua P.QLĐT) ra quyết định công nhận.
Sinh viên chính thức nhận NHDKH viết khoá luận tốt nghiệp và chỉ được công nhận điểm nếu có tên trong Danh sách sinh viên viết khoá luận tốt nghiệp (chính thức).

B3: Chỉ định NHDKH

a) Chỉ định GVHD: các KCM chịu trách nhiệm chỉ định GVHD sinh viên viết KLTN. Giảng viên hướng dẫn có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn sinh viên trong suốt quá trình viết KLTN. GVHD là NHDKH chính cho KLTN, được ghi danh vào KLTN của sinh viên.
b) Tiến cử CVCM: trong trường hợp cần thiết hoặc nếu sinh viên có nguyện vọng, đề xuất, KCM xem xét, tiến cử một hoặc một số CVCM hỗ trợ sinh viên trong 1 hoặc một số nội dung công việc liên quan đến KLTN của sinh viên. CVCM là NHDKH thứ 2 của sinh viên, được ghi danh vào KLTN của sinh viên.

3.3 Quy trình chuẩn bị thực tập tốt nghiệp

B1: Công bố danh sách sinh viên đủ điều kiện TTTN

  • Danh sách sinh viên đi TTTN (dự kiến): do P.QLĐT công bố trước khi kết thúc học kỳ thứ 7 của khoá học ít nhất 01 tháng đối với đợt chính thức hoặc không muộn hơn 10 ngày trước khi chính thức làm TTTN đối với đợt bổ sung (vào tháng 8). Danh sách dự kiến đi TTTN gồm các sinh viên có điểm TBCTL của 6 học kỳ đầu đạt từ 7,50 (theo thang 10) trở xuống, số lượng tín chỉ tích luỹ từ 105 tín chỉ trở lên.
  • Danh sách sinh viên đi TTTN (chính thức): được P.QLĐT công bố cùng với danh sách sinh viên đủ điều kiện viết KLTN (chính thức).

B2: Thời gian & Nội dung thực tập tốt nghiệp

Về thời gian:
  • Thời gian thực tập tốt nghiệp: Sinh viên thực tập tốt nghiệp trong thời gian là 10 (mười) tuần.
  • Thời gian nộp thực tập tốt nghiệp: trong vòng 01 tuần sau khi hết thời gian thực tập tốt nghiệp.
Về nội dung:
Do các KCM quy định cụ thể phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo cũng như nội dung công việc mà sinh viên được phân công thực hiện trong quá trình thực tập tốt nghiệp tại DN. THTTTN bắt buộc phải đính kèm với Bản nhận xét thời gian thực tập của DN mà sinh viên đăng ký đến thực tập tốt nghiệp.

B3: Chỉ định NHDKH

KCM chịu trách nhiệm chỉ định GVHD là giảng viên công tác trong hoặc ngoài KCM đã qua thời gian tập sự. GVHD này là NHDKH chính của sinh viên.
Ngoài GVHD, sinh viên phải lựa chọn 1 CVCM là lãnh đạo DN hoặc là cán bộ của DN trực tiếp theo dõi, hướng dẫn sinh viên và phải báo cáo với GVHD các thông tin chi tiết về CVCM. CVCM là NHDKH thứ 2 của sinh viên, được ghi danh vào THTTTN của sinh viên (nếu sinh viên đề nghị hoặc CVCM yêu cầu).

B4: Học bổ sung HPSH

Trong quá trình TTTN, sinh viên phải học bổ sung 1 HPSH với thực tập tốt nghiệp, là 1 phần của HPTN với thời lượng là 3 (ba) tín chỉ. HPSH có thể do sinh viên đăng ký tự do hoặc do KCM chỉ định trực tiếp trên cơ sở thống nhất với P.QLĐT.

3.4 Quy trình viết khóa luận tốt nghiệp hoặc thực hiện thực tập tốt nghiệp

Trưởng KCM chịu trách nhiệm về quy trình hướng dẫn sinh viên và yêu cầu Người hướng dẫn khoa học thực hiện theo các bước sau đây:
B1: KCM hướng dẫn sinh viên lựa chọn và đăng ký đề tài/lĩnh vực nghiên cứu, duyệt tên đề tài và chỉ định NHDKH của sinh viên.
B2: NHDKH duyệt bản đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết.
B3: NHDKH hướng dẫn sinh viên thu thập số liệu, tài liệu tham khảo, và xử lý số liệu phục vụ cho việc viết KLTN hoặc THTTTN.
B4: Sinh viên viết bản thảo KLTN hoặc THTTTN.
B5: NHDKH sửa bản thảo.
Sinh viên phải nộp bản thảo toàn văn của KLTN, THTTTN cho GVHD ít nhất 1 lần trong thời gian ít nhất 1 tuần trước khi kết thúc thời gian quy định để GVHD kiểm tra, hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trường hợp sinh viên không nộp bản thảo (toàn văn) của KLTN, THTTTN cho GVHD để chỉnh sửa trước khi nộp bản chính thức, GVHD có thể yêu cầu đình chỉ thời gian TTTN, KLTN, gửi thông báo cho KCM về việc đình chỉ đó. Trong trường hợp đó, sinh viên sẽ phải nhận điểm 0 (không) – điểm F cho học phần KLTN hoặc THTTTN và phải đăng ký thực hiện HPTN lại theo hình thức đi TTTN vào các đợt tiếp theo.
B6: Sinh viên hoàn thiện KLTN hoặc THTTTN.
Trong suốt quá trình hướng dẫn sinh viên thực hiện HPTN, NHDKH có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn cho sinh viên thực hiện các nội dung yêu cầu và báo cáo, cập nhật tình hình viết KLTN hoặc TTTN của sinh viên cho KCM.
Nếu sinh viên không thực hiện theo đúng yêu cầu, hướng dẫn hoặc vi phạm tiến độ yêu cầu hoặc có những vi phạm khác dẫn đến việc không có khả năng hoàn thành KLTN hoặc THTTTN, NHDKH có trách nhiệm thông báo cho KCM về việc đình chỉ việc viết KLTN hoặc TTTN của sinh viên.
Khoa Luan Tot Nghiep Thuc Tap Tot Nghiep Va Nhung Dieu Can Biet 2

Quy trình viết khóa luận tốt nghiệp hoặc thực hiện thực tập tốt nghiệp

3.5 Quy trình chấm điểm, bảo vệ KLTN và công bố kết quả

Trong quá trình hoàn thiện KLTN, sinh viên có nghĩa vụ thực hiện tra soát đạo văn và chỉ được nộp KLTN khi kết quả tra soát đạo văn phù hợp với các quy định hiện hành.

B1: Điều kiện chấm KLTN và THTTTN

  • Tại thời điểm chấm KLTN, sinh viên không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc diện bị thông báo đình chỉ KLTN hoặc TTTN của NHDKH.
  • Nộp KLTN hoặc THTTTN đúng thời hạn quy định.
  • Hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ học phí.
  • Có bản nhận xét của GVHD về tinh thần, thái độ của sinh viên, chất lượng của KLTN (đối với sinh viên viết KLTN).
  • Có bản nhận xét về quá trình thực tập tốt nghiệp của đơn vị – nơi sinh viên được cử đến thực tập tốt nghiệp; Có Bản nhận xét thời gian thực tập và được GVHD đồng ý cho nộp THTTTN (đối với sinh viên làm TTTN).

B2.1: Chấm KLTN

  • KLTN tốt nghiệp được chấm bởi 2 giảng viên không phải là GVHD trực tiếp đang công tác tại Khoa hoặc ngoài KCM. Trưởng KCM phân công 2 giảng viên khác chấm KLTN độc lập, đồng thời chịu trách nhiệm bảo mật danh sách giảng viên chấm KLTN.
  • Giảng viên chấm KLTN cho điểm độc lập trên phiếu chấm KLTN (theo mẫu tại Phụ lục 3) theo thang điểm 10 (mười). Giảng viên chấm có thể cho điểm lẻ đến 1 chữ số sau dấu phẩy. Phiếu chấm KLTN được chuyển đến Ban thư ký chấm KLTN. Điểm của KLTN là điểm trung bình cộng điểm của 2 (hai) vòng chấm, làm tròn đến 01 (một) chữ số sau dấu phẩy.
  • Trường hợp điểm của 2 người chấm có sự chênh lệch trên 2 (hai) điểm thì Trưởng KCM sẽ chỉ định người thứ 3 có học vị từ tiến sỹ trở lên, là giảng viên do KCM quản lý, có lĩnh vực chuyên môn phù hợp với đề tài KLTN chấm vòng 3. Điểm kết luận của KLTN của sẽ là điểm trung bình cộng của 3 đầu điểm tại 3 vòng chấm nói trên.

B2.2: Chấm thu hoạch thực tập tốt nghiệp

  • Mỗi thu hoạch thực tập được chấm bởi 2 giảng viên, GVHD chấm vòng 1. Trưởng KCM phân công giảng viên thứ 2 có lĩnh vực chuyên môn phù hợp chấm THTTTN của sinh viên và chịu trách nhiệm bảo mật danh sách giảng viên chấm vòng 2 THTTTN.
  • Giảng viên chấm THTTTN theo mẫu, ghi điểm vào Phiếu chấm THTTTN (theo mẫu tại Phụ lục 4). Giảng viên chấm có thể cho điểm lẻ đến 1 chữ số sau dấu phẩy. Phiếu chấm THTTTN được chuyển đến Ban thư ký chấm KLTN, THTTTN. Điểm của THTTTN là điểm trung bình cộng điểm của 2 vòng chấm, làm tròn đến 01 (một) chữ số sau dấu phẩy.
  • Trường hợp điểm của hai giảng viên chấm chênh nhau trên 2 (hai) điểm, sẽ được xử lý tương tự như chấm KLTN.

B3: Bảo vệ khóa luận tốt nghiệp

Nhà trường có thể tổ chức cho sinh viên đăng ký bảo vệ KLTN thay thế cho việc chấm KLTN trong trường hợp sinh viên có nguyện vọng.
a) Điều kiện:
  • Sinh viên có nguyện vọng được thể hiện bằng văn bản;
  • GVHD đồng ý sinh viên được phép bảo vệ KLTN;
  • Khoa chuyên môn đồng ý tổ chức cho sinh viên bảo vệ KLTN.
b) Quy trình tổ chức bảo vệ KLTN:
  • P.QLĐT thông báo tổ chức đợt bảo vệ KLTN, thông báo cụ thể thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành; tiếp nhận đơn xin bảo vệ KLTN của sinh viên;
  • KCM thành lập các Hội đồng bảo vệ KLTN, phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng KLTN; KCM có trách nhiệm bảo mật thông tin của các thành viên tham gia Hội đồng.
  • Các thành viên Hội đồng nhận KLTN từ các KCM và có trách nhiệm tham khảo ý kiến nhận xét của GVHD về quá trình thực hiện KLTN của sinh viên.
  • Bảo vệ KLTN theo lịch.
c) Chấm điểm KLTN:
  • Các thành viên trong Hội đồng bảo vệ KLTN chấm điểm, ghi điểm vào phiếu chấm KLTN theo mẫu.
  • Điểm kết luận của KLTN trong trường hợp tổ chức bảo vệ KLTN: là tổng hợp giữa điểm của các thành viên Hội đồng chấm, công bố trực tiếp tại buổi bảo vệ (chiếm 90% tổng điểm) và điểm của GVHD trực tiếp (chiếm 10% tổng điểm).

B4: Công bố và thẩm định kết quả

  • Điểm của KLTN hoặc THTTTN được công bố chậm nhất là 3 tuần kể từ ngày nộp.
  • Sinh viên có KLTN hoặc THTTTN bị điểm F (theo thang điểm 4), sẽ phải thực tập lại cùng đợt thực hiện học phần tốt nghiệp tiếp theo. Sinh viên không được học cải thiện đối với học phần tốt nghiệp bị điểm D (theo thang điểm 4).
  • Hiệu trưởng có thể ra quyết định chấm thẩm định ngẫu nhiên một số KLTN hoặc THTTTN. Trường hợp điểm của vòng chấm thẩm định (vòng 4) chênh lệch 1 (một) điểm so với điểm kết luận của KLTN, THTTTN, KCM tổ chức đối thoại công khai giữa NHDKH, giảng viên chấm các vòng 1, 2, 3 (nếu có) và giảng viên chấm thẩm định. Điểm kết luận của KLTN , THTTTN là điểm của vòng chấm thẩm định (vòng 4).

B5: Lưu chiểu khoá luận tốt nghiệp sau khi chấm

Cuối đợt chấm KLTN, các KCM tập hợp các KLTN đạt từ 9,0 điểm trở lên đã đóng bìa cứng cùng với file mềm và chuyển về Thư viện trường để làm tài liệu tham khảo.

4. Điều kiện xét tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp

a) Những sinh viên có đủ các điều kiện sau thì được xét và công nhận tốt nghiệp:
  • Cho đến thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.
  • Tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho CTĐT.
  • Điểm TBCTL của toàn khóa học đạt từ 2,00 (theo thang điểm 4) trở lên.
  • Có các chứng chỉ của các HPĐK.
  • Có đầy đủ điểm rèn luyện của các kỳ học thực tế tại trường (không tính các học kỳ mà sinh viên được cho phép nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả học tập)
  • Hoàn thành nghĩa vụ học phí, lệ phí theo quy định của Trường;
  • Có đơn gửi Phòng QLĐT đề nghị được xét tốt nghiệp trong trường hợp đủ điều kiện tốt nghiệp sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian thiết kế của CTĐT. Sinh viên học chuyên ngành 2 theo hình thức đào tạo song bằng chính quy chỉ được xét và công nhận tốt nghiệp khi đã đủ điều kiện tốt nghiệp ở chuyên ngành chính.
b) Sau mỗi học kỳ, Hội đồng xét tốt nghiệp căn cứ các điều kiện công nhận tốt nghiệp quy định ở mục a) để lập danh sách sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.
c) Căn cứ đề nghị của Hội đồng xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng ký quyết định công nhận tốt nghiệp cho những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp. Hàng năm có 2 đợt xét tốt nghiệp cho các khoá đào tạo đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ vào tháng 1 và tháng 7.
d) Cấp Bằng tốt nghiệp đại học
  • Bằng tốt nghiệp đại học (gồm Bằng tốt nghiệp đối với sinh viên các ngành ngôn ngữ và Bằng cử nhân đối với các ngành khác) được ghi theo ngành đào tạo và kèm theo Bảng điểm. Bảng điểm ghi rõ ngành và chuyên ngành đào tạo hoặc ngành phụ (nếu có); xếp loại rèn luyện và kết quả học tập cao nhất đã tích luỹ theo từng học phần của sinh viên.
  • Trong thời gian chờ cấp Bằng, Nhà trường cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên có nhu cầu.
  • Mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ được cấp 01 bằng tốt nghiệp đại học, mất không cấp lại.
  • Bằng tốt nghiệp đại học chỉ được cấp cho sinh viên khi đã ghi đầy đủ, chính xác các nội dung trên Bằng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý văn bằng.
  • Bằng tốt nghiệp đại học và các giấy chứng nhận có liên quan được cấp trong vòng 1 tháng kể từ ngày ra quyết định công nhận tốt nghiệp cho sinh viên.

Kết luận

Khóa luận tốt nghiệp và thực tập tốt nghiệp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để hoàn thành chương trình đào tạo, mà còn là cơ hội để sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và nâng cao kỹ năng chuyên môn. Hiểu rõ và chuẩn bị tốt cho quá trình này sẽ giúp các bạn sinh viên không chỉ đạt được kết quả tốt trong học tập, mà còn tự tin hơn trong hành trình nghề nghiệp sau này.

Nếu bạn gặp những vấn đề trong việc làm nghiên cứu khoa học, xulysolieu.info có ngay Dịch vụ hỗ trợ với chất lượng cực tốt trong thời gian ngắn nhất hoặc liên hệ fanpage của xulysolieu.info

Bài viết này hữu ích với bạn?

Bình luận

Bài liên quan
error: Nội dung bản quyền !!