Trong thế giới hiện đại, nghiên cứu khoa học đã trở thành nền tảng không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Từ những phát minh công nghệ tiên tiến đến các giải pháp sáng tạo trong y học và môi trường, nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm nghiên cứu khoa học, những thuật ngữ cơ bản liên quan, và phân loại các loại hình nghiên cứu, từ đó xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc để tiếp cận và thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.
1. Nghiên cứu khoa học là gì?
Nghiên cứu khoa học là một quá trình hệ thống nhằm khám phá, phát hiện và hiểu rõ bản chất, quy luật của các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Mục tiêu của nghiên cứu khoa học là tạo ra kiến thức mới hoặc xác nhận lại kiến thức đã có, đồng thời tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để áp dụng những hiểu biết này vào thực tiễn, góp phần cải thiện cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nghiên cứu khoa học là gì?
2. Một số khái niệm trong nghiên cứu khoa học
– Đề tài nghiên cứu (research project): là hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học do một người hoặc một nhóm người thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật hoặc ứng dụng vào thực tế. Mỗi đề tài nghiên cứu có tên đề tài (research title), là phát biểu ngắn gọn và khái quát về các mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
– Nhiệm vụ nghiên cứu (research topic): là những nội dung được đặt ra để nghiên cứu, trên cơ sở đã xác định tên đề tài nghiên cứu.
– Đối tượng nghiên cứu (research focus): là bản chất cốt lõi của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong đề tài nghiên cứu.
– Mục tiêu nghiên cứu (research objective): những nội dung cần được xem xét và làm rõ trong khuôn khổ đối tượng nghiên cứu đã xác định nhằm trả lời câu hỏi “Nghiên cứu cái gì?”. Dựa trên mục tiêu, các câu hỏi nghiên cứu được xây dựng.
– Mục đích nghiên cứu (research purpose): ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi “ Nghiên cứu nhằm vào việc gì?” hoặc “ Nghiên cứu để phục vụ cho cái gì?”.
– Khách thể nghiên cứu (research population): là sự vật chứa đựng đối tượng nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu có thể là một không gian vật lý, một quá trình, một hoạt động, hoặc một cộng đồng.
– Đối tượng khảo sát (research sample): là mẫu đại diện của khách thể nghiên cứu.
– Phạm vi nghiên cứu (research scope): sự giới hạn về đối tượng nghiên cứu, đối tượng khảo sát và thời gian nghiên cứu (do những hạn chế mang tính khách quan và chủ quan đối với đề tài và người làm đề tài).
Một số khái niệm trong nghiên cứu khoa học
3. Phân loại nghiên cứu khoa học
3.1 Phân loại theo chức năng nghiên cứu
– Nghiên cứu mô tả (Descriptive research): nhằm đưa ra một hệ thống tri thức giúp con người phân biệt các sự vật, hiện tượng xung quanh; bao gồm mô tả định tính và mô tả định lượng, mô tả một sự vật, hiện tượng riêng lẻ hoặc so sánh giữa nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau.
Ví dụ: Nghiên cứu sở thích của khách du lịch khi đến thăm thành phố Hồ Chí Minh.
– Nghiên cứu giải thích (Explanatory research): nhằm làm rõ các qui luật chi phối các hiện tượng, các quá trình vận động của sự vật.
Ví dụ: Nghiên cứu những lý do khiến khách du lịch ít quay lại để tham quan, du lịch thêm nhiều lần nữa.
– Nghiên cứu dự báo (Anticipatory research): nhằm chỉ ra xu hướng vận động của các hiện tượng, sự vật trong tương lai.
Ví dụ: Nghiên cứu các xu hướng của ngành du lịch trong 10 năm tới.
– Nghiên cứu sáng tạo (Creative research): nhằm tạo ra các qui luật, sự vật, hiện tượng mới hoàn toàn.
Ví dụ: Nghiên cứu mối liên hệ giữa kết quả học tập với thời gian lướt facebook của sinh viên.
3.2 Phân loại theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu
– Nghiên cứu cơ bản (Fundamental research): nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các sự vật, hiện tượng.
Ví dụ: Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ.
– Nghiên cứu ứng dụng (Applied research): vận dụng thành tựu của các nghiên cứu cơ bản để giải thích sự vật, hiện tượng; tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất.
Ví dụ: Nghiên cứu những giải pháp nhằm nâng cao lượng khách hàng đến mua sản phẩm tại cửa hàng.
– Nghiên cứu triển khai (Implementation research): vận dụng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tổ chức triển khai, thực hiện ở qui mô thử nghiệm.
Ví dụ: Nghiên cứu thử nghiệm việc áp dụng Quy định về thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa của sinh viên.
3.3 Phân loại theo lĩnh vực nghiên cứu
– Khoa học tự nhiên
– Khoa học kỹ thuật và công nghệ
– Khoa học y, dược
– Khoa học nông nghiệp
– Khoa học xã hội
– Khoa học nhân văn
3.4. Phân loại theo phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp nghiên cứu định tính
– Phương pháp nghiên cứu định lượng
– Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp
4. Kết luận
Nghiên cứu khoa học không chỉ là quá trình tìm tòi và khám phá, mà còn là hành trình đầy thách thức và thú vị, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần không ngừng học hỏi. Hiểu rõ các khái niệm cơ bản và phân loại nghiên cứu khoa học sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn, từ đó nâng cao hiệu quả và chất lượng của các dự án nghiên cứu.
Để biết thêm chi tiết về những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, bạn có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học mà Xulysolieu đã biên soạn trước đó. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên quý báu và thực tiễn từ những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, giúp bạn tự tin hơn trên con đường khám phá và sáng tạo của mình.