Kinh nghiệm thực hiện khóa luận & luận văn tốt nghiệp và các vấn đề liên quan 2024

Sau khi vượt qua những năm Đại học cam go, bạn sẽ đến với chặng cuối cùng: KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP. Đây là cơ hội rất tốt để các bạn Sinh viên được làm quen, được tập nghiên cứu, được học cách làm một công trình khoa học, được áp dụng tất cả những kiến thức đã học vào việc thực hiện một đề tài cụ thể.
Đành rằng, làm khóa luận cũng có nghĩa là vất vả cực nhọc suốt mấy tháng ròng, song cái mà bạn thu được sẽ là thành quả xứng đáng với những gì bạn bỏ công, mất sức.
Nhân tiện mùa khóa luận tốt nghiệp sắp đến, Xulysolieu thực hiện bài viết này nhằm chia sẻ một số kinh nghiệm khi thực hiện một khóa luận tốt nghiệp và những vấn đề “liên quan” xung quanh khóa luận tốt nghiệp. Bài viết này không viết trực tiếp về ai, chỉ nói chung nên chỉ có tính chất tham khảo, các bạn thấy đúng với mình thì hãy suy nghĩ có nên áp dụng hay không.

1. Thế nào là khóa luận tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp

1.Khoa Luan Tot Nghiep Luan Van Tot Nghiep La Gi

Khóa luận tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp là gì

Thực ra có rất nhiều bạn nhầm lẫn khóa luận với từ luận văn. Khóa luận là của cử nhân, luận văn là của thạc sĩ và luận án là của các bác tiến sĩ. Hãy sử dụng đúng nhé, các cử nhân tương lai.
Khóa luận thường sẽ chiếm 15 tín chỉ (nếu như bạn đi thực tập thì chuyên đề thực tập chiếm 5 tín chỉ, 2 môn thi tốt nghiệp chiếm 10 tín chỉ còn lại). Đã viết khóa luận thì không đi thực tập, không học và thi các môn tốt nghiệp liên quan đến Phương pháp nghiên cứu khoa học. Nếu đủ điều kiện viết khóa luận nhưng muốn đi thực tập cho gần gia đình, tìm kiếm cơ hội ở quê nhà thì bạn cứ làm đơn, sẽ được đi thực tập thôi. Nhưng Xulysolieu khuyên bạn hãy viết khóa luận vì điểm cao hơn, đỡ vất vả hơn.
Có thể hiểu đơn giản khóa luận là một bài cá nhân học kì mở rộng về phạm vi dung lượng và yêu cầu cao hơn về chất lượng, bao gồm 2 hoặc 3 chương với cách đánh đề mục cụ thể rõ ràng.

2. Kinh nghiệm trong giai đoạn chuẩn bị khóa luận tốt nghiệp

2.Chuan Bi Khoa Luan Tot Nghiep

Chuẩn bị khóa luận tốt nghiệp

2.1 Chọn lĩnh vực nghiên cứu

Sau khi bạn biết mình đủ điều kiện viết khóa luận thì bạn sẽ tiến hành chọn môn viết khóa luận. Sinh viên khoa/ ngành học nào thì chỉ được viết loanh quanh các môn của khoa/ ngành học đó (vẫn có ngoại lệ, ví dụ Đại học Luật TP.HCM). Các bạn lưu ý là không phải cứ muốn viết môn nào cũng được viết bởi mỗi môn có điểm sàn riêng để được viết (xuất phát từ điểm 7 theo quy định của nhà trường). Những môn nào càng có nhiều sinh viên đăng ký viết thì càng điểm được viết môn đó càng cao. Vì vậy, bạn hãy lưu ý:
– Từ năm 2, năm 3, bạn nên nghiên cứu kĩ điều kiện điểm của các môn viết khóa luận bạn thích để cố gắng đạt được số điểm đó. Có thể hướng đến một số môn về mức độ khó ít hơn so với các môn khác và thường được điểm cao như: môn Quản trị Marketing, Quản trị doanh nghiệp, Kinh doanh quốc tế,… Những môn dễ ở đây thường dễ về nội dung, về cách làm nghiên cứu và điểm đạt được thường cao hơn các môn khác.
– Trong một số trường hợp bạn có thể được viết khóa luận một môn nào đó (nếu môn đó từ điểm sàn của nhà trường trở lên). Ví dụ như một bạn khoa Kinh tế các môn khác đều không đủ điểm theo yêu cầu của các tổ bộ môn nhưng môn Thương mại bạn được 8,8 thì bạn hoàn toàn có thể làm đơn xin viết môn Thương mại. Bên cạnh đó, hãy tận dụng mối quen biết, ví dụ như thầy cô giáo chủ nhiệm lớp của bạn, nếu như bạn viết khóa luận môn mà thầy cô đó giảng dạy nhưng bạn ko đủ điểm thì hoàn toàn có thể nhờ thầy cô chủ nhiệm giúp. Nhìn chung, bao giờ cũng có những ngoại lệ.

2.2. Tìm người hướng dẫn

Người hướng dẫn có thể là người trong trường hoặc ngoài trường. Đa số sinh viên thường nhờ Giảng viên trong trường. Yêu cầu chung là có học vị Thạc sĩ trở lên mới được hướng dẫn cử nhân làm khóa luận.
Nếu như môn viết của bạn cũng là môn mà thầy cô chủ nhiệm giảng dạy thì bạn nên nhờ luôn thầy cô chủ nhiệm hướng dẫn. Sẽ thuận lợi hơn. Ngoài lề một chút là khi người hướng dẫn của bạn càng “sang – xịn – mịn” thì đa số là điểm khóa luận sẽ cao hơn.
Nếu như bạn có quen ai đó ngoài trường, bạn hay gia đình bạn quen biết thân thì cũng nên nhờ hướng dẫn vì khi quen thân sẽ nhiệt tình hướng dẫn hơn.
Nếu như bạn không chọn người hướng dẫn thì Khoa sẽ phân công người hướng dẫn cho bạn trong số các thầy cô của Tổ bộ môn đó.
Nếu như bạn đã có ý định về vấn đề sẽ viết khóa luận thì nên hướng đến người hướng dẫn đã có nhiều nghiên cứu về nó, sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn. Muốn biết điều này bạn hãy xem các công trình nghiên cứu, bài viết hay các quan điểm trong quá trình giảng dạy để xác định được ai chuyên về mảng nào. Càng sâu càng tốt. Bên cạnh đó, nếu bạn thấy ấn tượng với ai đó qua quá trình học hoặc được nghe khóa trước chia sẻ là người đó rất nhiệt tình, tận tâm thì bạn nên nhờ người đó hướng dẫn.
Thông thường thì một Tiến sỹ được phép hướng dẫn không quá 5 sinh viên/năm, một Thạc sĩ không quá 3 sinh viên/năm. Cho nên nếu bạn đã định nhờ ai đó thì nên nhanh tay nhanh chân nhé, chậm là sẽ phải đi nhờ người khác. Hãy liện với các thầy cô trợ lí khoa để biết được thông tin liên lạc của thầy cô một cách nhanh nhất có thể.

2.3 Tìm đề tài, chủ đề nghiên cứu

Khi biết mình nằm trong danh sách các Sinh viên đủ điều kiện được làm khóa luận/đồ án tốt nghiệp, có bạn giật mình vì không biết chọn đề tài nào đây. Đề tài khóa luận tốt nghiệp của Sinh viên có thể do khoa, bộ môn gợi ý, nhưng cũng có thể do Sinh viên đề xuất và cần sự đồng ý của người hướng dẫn. Các cách đều không ảnh hưởng đến kết quả sau cùng, cụ thể:
  • Nếu người hướng dẫn có gợi ý một đề tài cho bạn, nếu thấy thích thì hãy làm nó vì khi đã gợi ý nghĩa là thầy cô đó đã tìm hiểu về nó, có tài liệu nên dễ dàng cho bạn thực hiện hơn.
  • Nếu như bạn chọn trong danh sách bộ môn đưa ra thì bạn hãy quyết định nhanh gọn vì mỗi đề tài chỉ được 1 SV thực hiện. Do đó hãy quyết định và đăng ký nhanh với Khoa nhé. Thường nên hướng đến những vấn đề bạn đã tìm hiểu từ trước, có đào sâu rồi sẽ rất dễ khi thực hiện.
  • Và một trường hợp khác, nếu như bạn đã từng làm đề tài đó tham dự cuộc thi Sinh viên NCKH thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó để phát triển thành khóa luận, sẽ rất thuận tiện hơn đấy.
Dù thế nào thì bạn cũng phải chuẩn bị trước ý tưởng về những vấn đề mình quan tâm, ham thích, có hứng thú và có khả năng tìm hiểu. Những ý tưởng này có thể hình thành ngay từ những năm thứ hai, thứ ba, để rồi bạn có ý thức tìm kiếm tư liệu, tìm đọc các bài viết liên quan, như vậy bạn sẽ bớt hoang mang, bối rối khi đứng trước hàng loạt các đề tài (cho sẵn) hay trước mênh mông các vấn đề (cần nghĩ để đề xuất).
Sinh viên Đại học có tâm lý tìm kiếm một đề tài nào đó to tát mang tầm vĩ mô, có tên nghe thật kêu. Có thể họ cho rằng phải như thế mới xứng tầm đề tài khóa luận tốt nghiệp chăng? Không phải thế đâu. Ở bậc cử nhân, các bạn nên chọn giải quyết một khía cạnh, một vấn đề nhỏ thôi, càng cụ thể càng tốt.
Bạn có thể đem những băn khoăn của mình đi hỏi các thầy cô giáo (tốt nhất là các thầy cô có chuyên môn sâu ở lĩnh vực bạn cần tham vấn), bạn sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích.

3. Kinh nghiệm thực hiện khóa luận tốt nghiệp

3.Thuc Hien Khoa Luan Tot Nghiep

Thực hiện khóa luận tốt nghiệp

Quá trình thực hiện khóa luận trải qua nhiều bước, trong đó có những bước cơ bản ban đầu đã như đã nêu bên trên. Tuy nhiên, thực sự quan trọng nhất phải là giai đoạn viết và hoàn thành, nộp cho Khoa. Vì vậy, bạn hãy:
Bạn nên xác định những điều sau:
– Nếu như khóa luận cho dù có được 10 điểm mà bạn cũng không nâng từ loại Khá nên Loại Giỏi, thầy cô hướng dẫn không nhiệt tình, bản thân bạn cũng cho là khóa luận của bạn chất lượng không cao lắm thì mình khuyên bạn bạn cũng đừng nên áp lực quá để gây ra mệt mỏi làm gì. Phải nói thật là điểm khóa luận hấu hết là cao và rất cao, thậm chí 9đ là tệ lắm rồi.
– Tuy nhiên, nếu bạn thực sự cần điểm cao để thay đổi tấm bằng thì bạn nên thực sự nỗ lực để có được mong muốn đó đối với khóa luận.
– Nếu bạn thực sự thấy mình không có khả năng viết thì bạn nên xin được đi thực tập. Đừng cố làm gì khi không có khả năng và thầy cô sẽ rất khó chịu nếu thực sự bạn ko viết được. Sẽ có rất ít thầy cô sửa, viết lại hộ bạn để bạn có thể đi nộp khóa luận khi bạn ko có khả năng viết.

3.1 Quy trình thực hiện đề tài

Lẽ dĩ nhiên, không phải nhận đề tài về rồi là bạn bắt tay vào viết được đâu. Muốn viết được, bạn phải chuẩn bị đầy đủ các dữ kiện.
Trước hết bạn nên dành thời gian để đọc. Tại sao ư? Bạn cần tìm đọc các tài liệu, công trình, bài viết liên quan trực tiếp, gián tiếp đến đề tài, để biết được những người đi trước đã khai thác vấn đề đến đâu, đã đạt được kết quả gì, vẫn còn điều gì chưa được đề cập hoặc giải quyết chưa thấu đáo. Như vậy bạn sẽ hình dung được điều mình làm là gì và không lặp lại những gì người khác đã làm. Nhờ đó, bạn bắt đầu hình thành một đề cương để thảo luận với thầy hướng dẫn. Bạn cũng cần biết rằng, toàn bộ những tài liệu đã đọc ấy sẽ giúp bạn viết nên mục lịch sử nghiên cứu vấn đề, nằm ở phần Mở đầu của khóa luận.
Sau khi thảo luận với thầy hướng dẫn và được thầy góp ý, gợi mở, bạn đã có trong tay đề cương chi tiết của khóa luận. Đề cương này cũng có thể còn thay đổi: thu hẹp hoặc mở rộng, tùy thuộc vào nguồn tư liệu và kết quả khảo sát tư liệu trong quá trình thực hiện. Đây là chuyện thường thấy.
Cấu trúc chung của một khóa luận tốt nghiệp (của cả luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ) là gồm ba phần: Mở đầu (Dẫn nhập), Các chương, Kết luận. Tuần tự như tiến, không ít bạn sẽ bắt tay viết phần Mở đầu trước.
Không sao cả. Nhưng bạn có biết rằng bạn không cần bắt đầu với Mở đầu không? Hãy để đến khi hoàn tất các chương chính của khóa luận, bạn viết Mở đầu cũng không muộn, đấy là chưa nói, có thể đó là cách làm khôn ngoan, vì bạn sẽ mô tả chính xác hơn những gì khóa luận đã thực hiện, những kết quả khóa luận đã đạt được.

3.2 Hình thức & tiến độ làm việc với người hướng dẫn

Hầu hết sinh viên sẽ làm việc với giáo viên qua hình thức email. Bên cạnh đó có thể có một số hình thức khác như trao đổi qua Zalo, gọi điện trực tuyến, hẹn gặp ở trường,… Thông thường gặp trực tiếp là để bàn luận sâu những vấn đề nào đó chưa rõ, không thể bàn hết qua email, gọi điện để hẹn lịch, hỏi 1 số điều nhỏ hay thông báo điều gì đó trong quá trình làm (như hạn nộp khóa luận cho thầy cô góp ý), email thường để gửi kết quả viết cho thầy cô. Tuy nhiên mình nghĩ là các bạn nên gặp trực tiếp để làm việc là hay nhất, hỏi được nhiều nhất. Còn khi nộp sản phẩm mà mình đã viết thì nên in ra, đưa cho thầy cô góp ý trực tiếp, viết trực tiếp lên đó.
Lời khuyên là bạn đừng ngại tiếp xúc với giáo viên hướng dẫn. Hãy dũng cảm nói để thầy cô biết điều mình không biết, chưa hiểu, lúng túng. Đừng giữ nỗi lo trong lòng, đừng giấu dốt. Vì là lần đầu tiên làm nghiên cứu, bao nhiêu là điều mới lạ, nên bạn có thể hiểu hết ngay mọi chuyện mới là… không bình thường. Hãy học hỏi chân thành, với thái độ cầu thị, thầy cô sẽ chỉ cho bạn cần bắt đầu từ đâu, lấy tư liệu thế nào, xử lý ra sao. Tỉ mỉ, từng bước một. Thầy cô là người hướng dẫn mà! Nhưng bạn cũng nhớ hết sức cố gắng, tự giác và chủ động làm việc, chứ đừng ỷ lại. Chính bạn là người thực hiện công trình, chứ không ai khác.
Từ khoảng thời gian chọn đề tài xong cho đến trước bản thảo lần đầu, ngoài việc tôn trọng tiến độ mà thầy cô đề ra và cố gắng bám sát tiến độ đó bạn nên :
– Làm xong đề cương đưa cho thầy cô sửa. Đề cương nên làm chi tiết hết mức có thể để dễ dàng sau này khi viết. Đề cương có thể có 2, 3 chương. Số lượng chương cũng tùy từng đề tài, từng yêu cầu của thầy cô. Nhưng có thể thấy là 3 chương là ổn nhất cho một khóa luận.
– Tìm các tài liệu và các nghiên cứu có liên quan, nếu cần tài liệu nào mà chưa có thì nên hỏi thầy cô chỉ cho chỗ tìm hoặc nếu thầy cô có thì mượn.
– Hoàn thành được bản sơ thảo chương 1 để đưa cho thầy cô đọc.
Bạn nên xong chương nào thì gửi chương đó cho thầy cô, không nên xong hết rồi mới gửi đi. Trong thời gian thầy cô đọc chương 1 bạn có thể triển khai chương 2. Cứ thế gối lên nhau mà làm, không dồn lại công việc với nhau. Trong quá trình viết có vấn đề khó hiểu nên hỏi ngay thầy cô, cách viết, cách tìm tài liệu, phương hướng giải quyết vấn đề, đừng bỏ qua mà cố bịa hay làm những điều không đúng để rồi khi sửa, thầy cô sẽ không vui và bạn sẽ mất nhiều thời gian để viết lại.
Thời gian sau bản thảo lần đầu là lúc để bạn hoàn thành các chương còn lại. Khi viết xong khóa luận bạn nên làm một bản tóm tắt khóa luận để chuẩn bị trình bày trước Hội đồng (bản này ko nộp cho Khoa). Bản tóm tắt này nên ngắn gọn trong 3 trang cỡ chứ 14, nêu kết quả nghiên cứu chính của bạn chứ ko nên trình bày lại nội dung khóa luận, nếu bộ môn đó có máy chiếu thì bạn nên chuẩn bị slide show cho hấp dẫn, gọn gàng.

3.3 Tài liệu tham khảo, trích dẫn và hình thức trình bày

Về tài liệu tham khảo có nhiều nguồn để tìm kiếm, nhưng quan trọng nhất là thư viện và Internet. Nhưng một điều quan trọng là bạn nên tìm đến những khóa luận đã làm có liên quan đến đề tài của bạn để tham khảo. Điều này có ý nghĩa là: kế thừa được những kết quả nghiên cứu trước và phát huy hơn nữa; thầy cô rất khuyến khích như thế.
Thực tế có nhiều bạn đã viết xong nhưng thầy cô yêu cầu tìm các khóa luận cũ để đọc thêm nữa. Nên kiểm tra kĩ là tài liệu có còn hiệu lực hay không, đừng có trích dẫn tài liệu một cách thụ động mà ko kiểm tra lại thông tin, nếu không sẽ dễ bị bắt bẻ khi ra Hội đồng.
Trích dẫn tài liệu nên đúng chỗ, đúng cách, ko nên trích dẫn quá nhiều mà cũng ko nên chép mà ko chú thích. Nhìn chung thầy cô đều nhận ra bạn đã trích ở đâu cho dù bạn có làm chú thích hay ko đấy.
Phần nào dễ thì viết trước (thường thì là phần thực trạng, cơ sở lí luận), khó thì viết sau (thường là kết quả phân tích dữ liệu, kiến nghị). Phần lý luận ko nên dài quá mà cân đối với các phần khác. Tuy nhiên lý luận cũng ko nên quá ít, sẽ bị đánh giá là yếu về cơ sở lý luận. Nếu trong phần lý luận đưa ra được ý mới, khái niệm, quan điểm mới thì sẽ rất có giá trị, được đánh giá cao.
Phần kiến nghị ko nên viết quá chung chung mà phải nêu rõ được cơ sở của kiến nghị và thực hiện kiến nghị cụ thể đó như thế nào, tránh đưa ra khẩu hiệu, hô hào trong khóa luận,… Trong khi viết nếu có vấn đề nào đó thực sự ko quan trọng nhưng bạn nắm rõ thì bạn ko nên nêu quá kĩ mà nên viết sơ qua, thầy cô thường đánh vào những chỗ này để hỏi lúc ra Hội đồng bảo vệ, khi đó bạn sẽ chủ động và thành công hơn.
Bạn nên tuân thủ quy định hình thức của khóa luận và đề cương chi tiết đã đề ra. Có một số điểm khác biệt nhất định về hình thức khóa luận so với bài tập tín chỉ, như: số trang đánh ở bên trên, chính giữa; chú thích làm kiểu [ ] chứ không làm ngay dưới mỗi trang (đối với kiểu này bạn phải ổn định, thống nhất đc danh mục tài liệu tham khảo cuối cùng rồi mới đánh số chính xác cho chú thích được),… Số trang của khóa luận yêu cầu tối đa 50 nhưng bạn có thể làm đến 60 cũng đc, nếu nhiều hơn dễ bị trừ điểm.

4. Kinh nghiệm trình bày khóa luận & thuyết trình trước hội đồng

4.Trinh Bay Khoa Luan Thuyet Trinh Truoc Hoi Dong

Trình bày khóa luận & thuyết trình trước hội đồng

4.1 Trình bày khóa luận

Các bạn không cần băn khoăn tự hỏi phải trình bày khóa luận ra sao, vì bạn đã có cẩm nang hướng dẫn trình bày hình thức khóa luận/đồ án tốt nghiệp do trường, khoa hoặc bộ môn đào tạo cung cấp. Từ cách trình bày trang bìa, trang bìa trong, phông chữ, cỡ chữ…, đến nguyên tắc dãn dòng, canh lề, đánh số trang, chú thích… mọi chi tiết đều được chỉ dẫn rõ ràng.
Một khóa luận có hình thức trình bày đúng chuẩn bao giờ cũng chiếm được cảm tình của người đọc ngay từ trang đầu tiên. Nhớ kiểm tra kỹ từng trang để đảm bảo không còn sót lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt… Mấy “chuyện nhỏ” ấy có thể lấy đi của bạn số điểm đáng kể đấy.
Trong từng chương, bạn nên đặt tên các mục, tiểu mục một cách có hệ thống và đánh số thứ tự cho các tiêu đề. Thông thường, ở các trường kỹ thuật, cách đánh số Ả Rập, theo ma trận (nhiều nhất là đến bốn chữ số) sẽ được ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, cũng có những trường sẽ hướng dẫn cách đánh số thứ tự tiêu đề theo số La Mã và chữ cái.
Cách nào cũng thể hiện được tính hệ thống cả bạn ạ. Miễn là bạn làm đúng theo quy định về định dạng báo cáo của trường bạn. Nếu trường bạn không có quy định cụ thể thì bạn có thể lựa chọn một trong hai cách trên.
Ngoài ra, cũng nên chú ý viết mấy dòng mở đầu chương (gọi là Tiểu dẫn) và kết chương (gọi là Tiểu kết), như vậy bố cục của chương sẽ rất chặt chẽ. Bố cục này bạn sẽ còn sử dụng về sau, nếu bạn có cơ hội làm luận văn cao học, luận án tiến sĩ. Vậy hãy tập cách làm việc chuyên nghiệp này ngay từ bây giờ bạn nhé.

4.2 Thuyết trình, bảo vệ trước hội đồng

Sau bao nhiêu ngày tháng vất vả, giờ bạn đã có trong tay khóa luận/đồ án tốt nghiệp để trình lên hội đồng giám khảo. Nỗi lo đã vơi đi, nhưng vẫn còn một cửa ải cuối cùng phải vượt qua. Làm thế nào để có một buổi bảo vệ thành công?
Trước khi buổi bảo vệ diễn ra, khóa luận của bạn sẽ được gửi đến cho một thầy cô khác đọc phản biện, điểm của thầy cô này cho được tính vào điểm trung bình chung cuối cùng của bạn. Thầy cô này cũng sẽ đưa ra cho bạn 1, 2 câu hỏi. Việc trả lời các câu hỏi của phản biện này tại Hội đồng ko ảnh hưởng đến số điểm mà thầy cô này đã cho trc đó của bạn. Thông thường Hội đồng bảo vệ có 5 người, nếu thầy cô nào hướng dẫn bạn mà có trong Hội đồng sẽ ko đc cho điểm và ko đưa ra câu hỏi cho các bạn. Các thành viên Hội đồng sau khi nghe bạn trình bày kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra câu hỏi. Bạn có thể sẽ có thời gian để suy nghĩ các câu trả lời.
Thường thì kết quả chấm sẽ được cộng chia đều rồi lấy đến hai chữ số thập phân và công bố khi tất cả các sinh viên viết môn đó đã bảo vệ xong. Có bạn sẽ biết điểm trước nếu thầy cô hướng dẫn ngồi trong Hội đồng, làm thư ký. Có một lưu ý là nếu điểm của bạn lẻ, ví dụ như 9.75 thì khi tính điểm trung bình cuối khóa vẫn dùng 9.75 nhưng khi vào điểm trong Bảng điểm toàn khóa cho bạn thì thường được ghi là 10 đấy ^^.
a. Chuẩn bị kỹ càng
Một sự chuẩn bị chu đáo bao giờ cũng quyết định 80% thành công. Bạn hãy tận dụng sự trợ giúp từ các slide trình chiếu, nhưng đừng lạm dụng. Các slide nên trình bày đơn giản (không rối rắm màu sắc, trừ phi đồ án của bạn cần thể hiện một kết quả nào đó liên quan nhiều đến màu sắc, đường nét, hình họa; không chen hình hoa lá, thú vật nhảy nhót), ít chữ, chữ cỡ lớn để dễ nhìn, không chọn những màu chữ quá chói (vàng cam, nõn chuối) hoặc quá nhạt. Các slide trình chiếu tuyệt đối không thể là kết quả của công đoạn “chép và dán” từ văn bản soạn trong chương trình Microsoft Word. Cần cân nhắc lựa chọn nên trình chiếu nội dung gì và thể hiện nó một cách gọn ghẽ thành các ý, chứa trong đó một câu hay một ngữ (chứ không phải một đoạn!). Những ý nêu lên chỉ là cái khung gợi ý để bạn thuyết minh thêm, chứ chúng không làm thay phần trình bày của bạn.
Bạn nên chuẩn bị trước một số tư liệu, sách báo, băng đĩa, hình ảnh… liên quan đến quá trình thực hiện khóa luận/đồ án. Đó sẽ là những minh chứng cần thiết khi giám khảo yêu cầu.
Bạn cần hiểu rõ những gì bạn đã làm được, và cả những gì bạn chưa thật hài lòng, hay chưa kịp thực hiện trong khóa luận. Điều đó sẽ khiến bạn tự tin với thành quả, đồng thời có một thái độ tự chủ, sẵn sàng lắng nghe những góp ý của hội đồng giám khảo.
Bạn hãy chuẩn bị một sức khỏe tốt cho ngày bảo vệ. Đừng để mình kiệt sức khi “trận đấu” chưa thực sự mở màn.
b. Thái độ tự tin, đúng mực
Đã trải qua những ngày tháng dài làm đồ án, bạn phải là người hiểu rõ công việc của mình, chỗ mạnh, chỗ yếu của công trình. Vậy thì tại sao bạn không tự tin bước tới trình bày những gì bạn đã làm được? Sự tự tin, điềm tĩnh, đúng mực của bạn sẽ được ban giám khảo đánh giá cao.
c. Nói năng lưu loát
Đứng trước một hội đồng giám khảo gồm toàn những chuyên gia có tên tuổi, bạn bỗng “run như cầy sấy” và lúng túng nói không thành câu.
Đừng lo, mấy giây đó sẽ qua nhanh thôi. Hãy hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh, chào các thành viên hội đồng và… bắt đầu. Sẽ rất hữu ích nếu bạn đã chuẩn bị trước phần thuyết minh này ở nhà bằng cách tập nói trôi chảy, không ngắc ngứ, theo thời gian quy định (thường là 10-15 phút đối với khóa luận/đồ án tốt nghiêp). Hai ba lần tập luyện như thế sẽ giúp bạn không còn lúng túng trong ngày bảo vệ.
d. Trình bày vấn đề và nêu bật kết quả nghiên cứu
Cả một công trình đồ sộ trên dưới 100 trang, kết quả của 3-4 tháng miệt mài lao động, lại chỉ được trình bày trong vẻn vẹn 10-15 phút! Bạn sẽ thấy, chao ôi, thời gian ít ỏi quá, làm sao nói cho hết. Nhưng bạn không cần “nói cho hết”, mà chỉ nhấn mạnh những điểm cần nói. Hãy dành khoảng 2 phút để nói về lý do bạn lựa chọn đề tài này, mục tiêu mà bạn đặt ra là gì, bạn đã dùng những phương pháp gì để thực hiện, trên cơ sở dữ liệu nào. Dành khoảng 1-2 phút cuối cho những kết luận khẳng định lại kết quả nghiên cứu của bạn. Thời gian còn lại, bạn hãy chọn trình bày những vấn đề cốt lõi, cơ bản của đề tài, theo một mạch dẫn liên kết chặt chẽ, có hệ thống. Đừng cố nói “tất tần tật” mọi ý tưởng, vì như thế, có thể bạn sẽ bị cắt ngang vì hết giờ, trong khi bạn còn biết bao điều chưa kịp nói.
e. Trả lời thuyết phục
Các bạn sinh viên khi lên bảo vệ có một tâm lý chung là sợ bị chất vấn, phản biện. Câu hỏi dù khó, dù dễ đều ngại trả lời, tốt nhất là cứ “cảm ơn thầy cô, em xin ghi nhận và sẽ tìm hiểu sau” cho an toàn!
Nếu làm như thế thì đâu còn ý nghĩa của một buổi bảo vệ khóa luận/đồ án. Với tư cách là tác giả công trình, bạn hãy sẵn sàng “đương đầu” với những câu hỏi, mà phần lớn chỉ với mục đích tạo cho thí sinh cơ hội được thể hiện những hiểu biết của mình xung quanh đề tài đã làm. Hãy cố gắng trả lời hoặc thảo luận trong chừng mực có thể, còn với những câu hỏi vượt quá khả năng trả lời, bạn hãy trung thực nói rõ, đồng thời tỏ thái độ cầu thị, thầy cô sẽ cho bạn lời giải. Và lời giải đó có thể là một gợi ý để bạn hoàn thiện đề tài hoặc mở rộng đề tài ở cấp nghiên cứu cao hơn.

5. Một số vấn đề nhạy cảm liên quan

Nhiều bạn lo ngại chuyện thầy cô hướng dẫn như thế nào, các vấn đề liên quan như thế nào. Xulysolieu thì có một số lời khuyên như thế này:
– Bạn nên xác định là đây là việc hướng dẫn. Trên đời này hiếm khi có việc gì mà không công. Nên bạn hãy xác định ngay từ đầu chuyện quà cáp, thậm chí là tiền nong là chuyện hết sức bình thường để tránh tâm lý tiêu cực làm khóa luận chỉ là sự đổi chác. Nếu điều đó xảy ra tự bản thân bạn đã làm mình bị áp lực. Đơn giản là làm khóa luận thì tốn kém nhiều thứ hơn so với đi thực tập. Do đó, nếu bạn thấy có làm khóa luận mà điểm của bạn cũng ko lên loại Khá hay lên Giỏi được mà bạn lại ko có điều kiện kinh tế cho lắm (tất nhiên cũng ko yêu cầu cao về tài chính) và bạn thấy ko thực sự hứng thú viết, thấy ko có khả năng viết thì tốt nhất bạn nên xin đi thực tập. Còn nếu bạn đã chọn viết thì bạn nên biết chấp nhận và đơn giản hóa những điều vốn đã tồn tại từ lâu. Bạn nên quan tâm đến một số dịp lễ như 20/11, Tết, 8/3, khi đến nhà để bàn bạc thêm về khóa luận, lâu lâu đến nhà chơi 1 lần, cảm ơn khi đã kết thúc hoàn thành xong khóa luận,…
– Nếu thầy cô của bạn thực sự tốt, ko nhận quà của sinh viên, ko muốn sinh viên đến nhà, chỉ muốn gặp ở trường thì bạn cũng đừng nên cố gắng mà tìm cách đưa được quà cho thầy cô đó. Các thầy cô này đã làm như thế là đã rất tốt với sinh viên. Bạn đừng có nghĩ theo hướng nếu ko đưa được quà cáp thì thầy cô sẽ ko nhiệt tình, sẽ không giúp bạn hoàn thành xong khóa luận. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Hãy xem đó là điều may mắn của bạn. Bên cạnh đó, nếu người hướng dẫn là người quen của bạn, gia đình thì càng tốt, nhiệt tình mà ko tốn kém nhiều. Tuy nhiên cũng lưu ý là dù gì khi hoàn thành xong cũng nên đến cảm ơn, dù ít dù nhiều nhé.
– Có nhiều người hướng dẫn thực sự không tốt cho lắm. Chỉ khi bạn đến thăm họ nhiều, mang nhiều quà cáp đến thì mới tích cực hướng dẫn. Nếu bạn đã lỡ rơi vào trường hợp như thế này mà ko thể thay đổi nữa thì bạn nên biết chấp nhận. Bạn nên cố gắng hoàn thành thật tốt tiến độ, cố làm tốt, trước khi đưa kết quả cho thầy cô đó sửa thì nên nhờ ai đó khác đọc sửa hộ trước để bạn ko phải gặp thầy cô của bạn quá nhiều lần để sửa và khi đó lại tỉ lệ thuận với quà cáp mà bạn phải dùng; tận dụng những khi gặp nhau trực tiếp để hỏi được nhiều nhất những vấn đề mà bạn còn chưa rõ, còn thắc mắc,… Bên cạnh đó, đã là người khó trong chuyện quà cáp thì bao giờ bạn cũng nên quan tâm hơn một chút, chú trọng hơn một chút việc thăm hỏi. Nói thật là dù gì cũng là người do thầy cô đó hướng dẫn, cũng liên quan đến uy tín nên thực sự họ cũng ko bao h quá thờ ơ hay vô trách nhiệm được đâu.
– Nếu bạn đã làm đề tài đó tham dự cuộc thi SV NCKH và bây h nâng lên thành khóa luận thì mình nói thật là bạn sẽ phải làm việc rất ít và ít tốn kém khi viết lại thành khóa luận. Lí do đơn giản là bạn đã có một bản đề tài từ lúc tham gia cuộc thi rồi, bây h chỉ gia cố lại, viết thêm một số phần; ngay lúc làm đề tài NCKH SV thực ra bạn chỉ tốn kém tiền in ấn tài liệu chứ chuyện quà cáp thầy cô hầu như là không có vì hầu như là làm việc qua mạng; sẽ phải sửa ít hơn và số lần gặp thầy cô ít hơn (ko có giai đoạn làm đề cương nữa, ko nộp từng chương nữa mà đưa luôn cả khóa luận đã làm xong, sửa kĩ hơn vì có nhiều thời gian hơn). Sẽ rất thuận lợi cho bạn.
Vì vậy:
– Nên lựa chọn kĩ thầy cô hướng dẫn, tìm hiểu kĩ.
– Nếu có khả năng hãy tham gia cuộc thi SV NCKH để nâng lên thành khóa luận.
Xử Lý Số Liệu cung cấp cho bạn hướng dẫn trong bài viết này để bạn nắm được những tips và lưu ý quan trọng quá trình làm nghiên cứu khoa học cho luận văn, khóa luận tốt nghiệp. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm, Xử Lý Số Liệu sẵn lòng cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp nhanh chóng. Đừng ngần ngại liên hệ Xử Lý Số Liệu tại đây để được trợ giúp!
Bài viết này hữu ích với bạn?

Bình luận

Bài liên quan
error: Nội dung bản quyền !!